Tóm tắt nội dung
Đã bao giờ mọi người tự hỏi, tại sao các em học sinh lớp Một lại được học chữ a, b, c trước rồi đến chữ o, d, đ và e, g, h không? Nguyên tắc khoa học nào đằng sau thứ tự dạy các con chữ này?
Câu trả lời là, không thực sự có một nguyên tắc rõ ràng nào cả. Các em chỉ học thuộc mặt chữ mà không ý thức được các từ ngữ liên kết với nhau ra sao. Đây là phương pháp giáo dục theo định hướng nội dung, hướng đến mục tiêu làm thế nào để học sinh có thể nhớ nội dung được giảng dạy thay vì việc các em sử dụng chúng như thế nào.
12/16 tập của bộ sách đã được xuất bản do Nhà Xuất Bản Giáo Dục ấn hành
Bộ sách Phát triển năng lực tư duy – ngôn ngữ (dành cho học sinh tiểu học) (do NXB Giáo dục ấn hành, 2015) của nhà ngôn ngữ học trẻ Phạm Văn Lam (Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH VN) tìm đến một cách tiếp cận khác. Bộ sách này được biên soạn theo phương pháp giáo dục định hướng năng lực cho học sinh – một phương pháp giáo dục dựa trên năng lực đặt ra cho từng chuyên ngành và năng lực của từng cá nhân học sinh. (Phương pháp này chú trọng quản lý “đầu ra”, việc xác định mục tiêu năng lực mà mỗi học sinh phải đạt được rất rõ ràng trong từng môn học). Hơn nữa, đây có lẽ là bộ sách ứng dụng cho trẻ em đầu tiên ở Việt Nam được ra đời từ các kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành và liên ngành của ngôn ngữ học, tâm lí học, lô gích học, giáo dục ngôn ngữ,… Các tri thức và bài tập được thiết kế trong bộ sách dựa trên một hệ thống quan điểm lí thuyết do chính tác giả Phạm Văn Lam xây dựng, phát triển.
Mỗi từ ngữ là một viên bi lăn…
Bộ sách có 16 tập nhưng hiện nay mới ra mắt độc giả 12 tập được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Những tập đầu, học sinh sẽ được học về thuộc tính của các sự vật và quá trình (ví dụ như lửa thì nóng, ớt thì cay, muối thì mặn, nói thì liến thoắng, đi thì lững thững,…); được học về vai trò, chức năng, công dụng, nhiệm vụ của người, vật (ví dụ như giáo viên thì có nhiệm vụ là dạy học, học sinh thì có nhiệm vụ học bài, bác sĩ thì chữa bệnh, bệnh nhân thì bị bệnh, chữa bệnh, khám bệnh thì được diễn ra ở bệnh viện…) được học về sự so sánh phân biệt, so sánh đối lập, so sánh đồng nhất giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình và thuộc tính với nhau (ví dụ to – nhỏ, lớn bé, to lớn – nhỏ bé, chết, mất và hi sinh, nhanh và nhanh nhẹn, nhanh chóng…); được học về các thao tác tư duy quy loại, phân loại và định vị (ví dụ như hoa hồng bạch là một loại hoa, hoa là một loại thực vật, thực vật là một loài sinh vật, sinh vật là một loại thực thể…) được học các thao tác suy diễn, lập luận (ví dụ như sút thì có thể trúng hoặc trượt, vá thì suy ra rách, rách thì phải vá,…). Cuối cùng, các em sẽ được tiếp xúc với bản đồ tư duy – ngôn ngữ, là một mạng lưới hệ thống gồm các từ và khái niệm được nối với nhau theo các nguyên tắc tổ chức xác định một cách hệ thống và có lí do của ngôn ngữ và tâm lí, tư duy con người,…
tập 12 của bộ sách
Để hiểu hơn về nội dung của bộ sách, có thể hình dung như thế này, mỗi một từ được đưa ra giống như viên bi nằm trên một mặt phẳng, nó có thể lăn theo n hướng, tùy thuộc vào cách mà người ta tác động vào nó. Tác động theo hướng nào thì viên bi sẽ lăn theo hướng đó. Chẳng hạn với từ hoa, nếu kích theo hướng mặt quy loại, ta sẽ có hoa là một loại thực vật, hoa là một loại vật trang trí,…; theo hướng phân loại, ta sẽ có hoa thì có hoa hồng, hoa lan, hoa huệ,… hoa hồng thì có hoa hồng nhung, hoa hồng bạch,…; theo hướng cấu tạo thì sẽ có hoa gồm có đài hoa, cánh hoa, nhụy hoa, hoa là một bộ phận của cây,…; theo hướng thuộc tính thì hoa có mùi thơm, có màu sắc sặc sỡ,…; theo hướng chức năng công dụng thì hoa dùng để trang trí,…; theo hướng chuỗi tiến trình thì ra nụ rồi sẽ nở hoa, đơm hoa rồi thì sẽ kết trái,…; theo hướng tư duy hình tượng thì hoa đại diện cho cái đẹp, cho người con gái, cho sự cần phải nâng niu,… Mỗi từ ngữ trong bộ sách sẽ được nhìn nhận như một phần tử ở trong hệ thống vốn có các giá trị riêng của mình, những giá trị này của từ được xác lập bởi mối liên hệ hay nói đúng hơn là sự tương phản có tính chất hệ thống với các từ khác. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với một từ ngữ nào đó, học sinh sẽ có một bức tranh toàn cảnh về sự liên kết về mặt ngôn ngữ và tâm lí, tư duy giữa các từ, nghĩ đến từ này sẽ liên tưởng đến các từ khác một cách mặc định và tự nhiên chứ không phải học từ mới, học ngữ pháp mới theo kiểu học thuộc máy móc. Với cách học tập và rèn luyện này, bộ sách đã đánh thức, kích hoạt và phát triển được tiềm năng ngôn ngữ – tư duy sẵn có trong trí não đứa trẻ một cách tự nhiên và hệ thống. Cũng với chính cách học này, những vấn đề hóc búa mà học sinh, giáo viên và cả phụ huynh thường gặp phải như các vấn đề về từ ghép, từ láy, giải thích ý nghĩa của từ,… trong chương trình giáo dục nhà trường đã có được một lời giải đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng. Giả dụ học sinh có một từ nào đó, học sinh có thể dễ dàng tạo được rất nhiều từ khác nữa từ chính từ gốc này, và cũng rất dễ dàng hiểu và giải thích được ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, áp dụng mô hình X + ăn để sản sinh từ, học sinh sẽ dễ dàng có được một loạt từ như nhỏ nhắn, xinh xắn, đứng đắn, vuông vắn, tươi tắn, may mắn, ngay ngắn, chín chắn,…, học sinh cũng dễ dàng hiểu và giải thích được rằng những từ láy này là những từ mang ý nghĩa khái quát, có nét nghĩa đánh giá tích cực so với chính những tiếng gốc, từ gốc.
Một bản đồ tư duy trong sách
Mục đích của bộ sách là đánh thức, rèn luyện và phát triển năng lực tư duy ngôn ngữ cho trẻ em. Từ vốn từ quen thuộc có sẵn, các em có thể phát triển thành một hệ thống từ vựng lớn hơn, được tổ chức một cách mạch lạc, các em sẽ có được năng lực giải thích từ ngữ, năng lực sản sinh ra các mệnh đề và năng lực viết và nói, cao hơn nữa là các em có thể có được năng lực quy gán và giải thích, tạo lập các ý nghĩa xã hội của lời nói một cách phù hợp trong từng ngữ cảnh sử dụng riêng rẽ. Những bài tập đầu tiên của bộ sách xuất phát từ những “từ mớm” – những viên bi rất quen thuộc như gà, vịt, học sinh, cô giáo, bảng đen, phấn trắng… đối với mỗi đứa trẻ. Nhưng đến khi đọc, học xong bộ sách thì học sinh đã có được một mạng lưới hệ thống từ ngữ và khái niệm phức tạp, có quan hệ với nhau theo những nguyên tắc ngôn ngữ, lô gích xác định, có được và nắm được các thao tác tư duy lô gích và hình tượng xác định vốn luôn song hành với những từ ngữ, khái niệm đó. Anh Phạm Văn Lam cho biết: “Đứa trẻ nào cũng có những từ như vịt, gà, trứng, đẻ, biết gáy, biết kêu, ò ó o… Và các em cũng hiểu được rằng gà là vật nuôi trong nhà, gà trống thì gáy ò ó o, gà mái thì gáy cục ta cục tác, gà mái thì đẻ trứng, biết ấp và nuôi con nhưng vịt cũng biết đẻ trứng nhưng lại không biết ấp và nuôi con,… Bộ sách chỉ làm nhiệm vụ là kích hoạt những từ ngữ vốn có như vậy sao cho chúng có thể được lấy ra và sử dụng một cách dễ dàng, hiệu quả và nhanh nhất, đáp ứng được các mục đích liên tưởng, suy luận, sáng tạo, giao tiếp, biểu đạt tư tưởng phức tạp của con người”.
“Tự vui chơi, vui học”
Mặc dù đây là bộ sách về tư duy – ngôn ngữ nhưng người sử dụng sẽ thấy ngạc nhiên vì có rất nhiều tri thức dân gian và tri thức bách khoa, chẳng hạn như đặc điểm của các loài cá, đặc điểm của các loài chim, các trạng thái tồn tại của nước, thuộc tính của các nhân vật trong truyện cổ tích… Lí do được đưa ra rất đơn giản: “Nếu muốn có khả năng đọc hiểu, giải mã (lời nói, văn bản), muốn có năng lực giao tiếp nói và viết tốt thì phải có mạng lưới những khái niệm, tri thức bách khoa, tri thức nền. Đã sử dụng ngôn ngữ, hơn nữa là muốn sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và hiệu quả thì phải có những cái này” – anh Lam cho biết.
Ba nhân vật chính trong sách: Cả Tít, Út Tèo và Ba Nhỡ
Các bài tập đã được thiết kế theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”, “tự vui chơi, vui học” nhưng lại không hề đơn giản và đôi khi có thể người lớn cũng phải gãi đầu gãi tai bởi nó đòi hỏi người “chơi” phải suy luận một cách có hệ thống theo các nguyên tắc sẵn có của ngôn ngữ và lô gích. Hơn nữa, nhiều tình huống truyện, nhiều bài tập được thiết kế theo lô gích đa trị, với những đáp án và cách giải quyết mở,… Chính vì vậy, bộ sách khuyến khích người lớn tương tác và trò chuyện với trẻ em khi trẻ em làm bài tập. “Vì thế, những ai tư duy thông thường, tư duy đơn giản đúng hoặc sai, một chiều thì mới chỉ khai thác được một phần lợi ích của bộ sách” – Anh Lam nói.
Cách học xem xét một từ trong mối quan hệ cả về mặt ngữ nghĩa lẫn lô gích với các từ khác ở trong hệ thống như vậy có phải là cách học ngôn ngữ nhanh nhất? Không chỉ nhanh nhất mà còn là hiệu quả nhất. “Khi ta thiết lập một mạng lưới từ theo các nguyên tắc ngôn ngữ, lô gích, tâm lí cụ thể như thế thì ta mới biết ngôn ngữ của mình có tổ chức như thế hay không, vốn từ vựng của ta được tổ chức như thế nào so với người khác, các thuật ngữ khoa học có gì khác với ngôn ngữ dân gian. Tiếng Việt nói bàn tay, cánh tay, khuỷu tay nhưng tiếng Anh không gọi các bộ phận của tay có chữ tay như vậy, hay chúng ta bảo cái này là tóc, cái này là râu, cái này là ria, cái này là lông, cái này là lông cáy, … nhưng tiếng Anh họ dùng một từ cho tất cả.” Như vậy, với cách tiếp cận của bộ sách, học sinh sẽ học được một hệ thống từ vựng, khái niệm tiếng Việt một cách nhanh chóng và hiệu quả do chỗ học từ này sẽ biết được từ kia, học từ này qua từ kia, học từ này liên quan đến từ kia, học một từ sẽ biết được một loạt các thao tác tư duy liên quan…
Tác giả của bộ sách, Phạm Văn Lam không chỉ dành hơn 10 năm nghiên cứu về ngôn ngữ học (cụ thể là từ vựng học, ngữ nghĩa học, ngôn ngữ dân tộc, giáo dục ngôn ngữ,…) mà còn là người tự học được nhiều ngoại ngữ và ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Anh từng giảng dạy đại học ở Masarakhan, Thái Lan trong vòng 3 năm.
Anh cũng đã cùng với các đồng nghiệp từng thực hiện đề tài xây dựng Mạng từ tiếng Việt (wordnet) do Bộ KH&CN tài trợ. Mạng từ về bản bản chất là một hệ thống các khái niệm được tổ chức theo theo các quan hệ lô gích – ngữ nghĩa như đồng nghĩa, trái nghĩa quy loại, phân loại, nhân quả,… Mạng từ đã được phát triển ở nhiều nước và có thể được sử dụng như một từ điển và được ứng dụng nhiều vào trong các hoạt động xử lí ngôn ngữ tự nhiên như dịch máy, tóm tắt văn bản, truy vấn thông tin…
|
Theo tạp chí Tia sáng – Bộ Khoa Học Công nghệ, http://tiasang.com.vn
Xem thêm: