Một khía cạnh khác của hiện tượng ngồi nhầm lớp

Gần đây dư luận xã hội lại nóng lên khi báo chí đưa tin về câu chuyện một học sinh lớp 6 bị trả về học lớp 1 ở Sóc Trăng do chưa biết đọc. Ngay sau đó, cũng tại tỉnh này báo chí còn cung cấp thêm rất nhiều trường hợp học lớp trên mà không đọc nổi bài lớp dưới.

 

 

Không chỉ là một trường hợp duy nhất

Bên cạnh hai nguồn tin chính thức này, nhiều độc giả cũng đã bức xúc cung cấp thêm rất nhiều thông tin tương tự như vậy ở địa phương mình cho báo giới. Như vậy, dường như hiện tượng này không phải chỉ là một hiện tượng đơn lẻ duy nhất, mà đó là một hiện tượng khách quan có mặt ở nhiều nơi, nhiều trường, nhiều tỉnh,…
Tiếp xúc với những thông tin “động trời” như vậy, không ai không khỏi xót xa cho bản thân và gia đình các em học sinh đó, không ai có thể bàng quan trước bệnh thành tích mà ngành giáo dục đang nhiễm phải mà vẫn chưa thể có thuốc chữa. Đáng buồn hơn, chính những giáo viên lên tiếng vạch ra những sự thực đó thì lại bị người có chức có quyền gây khó khăn. Người dân thì đang đổ lỗi cho bệnh thành tích của ngành giáo dục, đổ lỗi cho các bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái, đổ lỗi cho giáo viên thiếu trách nhiệm, đổ lỗi cho học sinh lười, đổ lỗi cho cái đói, cái nghèo, cái thiếu chữ,… Các cơ quan quản lí giáo dục thì nói sẽ rà soát, sẽ kiểm tra, và đổ lỗi cho hiệu trưởng, hiệu trưởng lại đổ lỗi cho giáo viên đứng lớp,… Người ta lo đổ lỗi cho người này, kỉ luật người kia, chứ không lo tìm hiểu và không thừa nhận, hiểu vấn đề một cách thấu đáo và khách quan nhất để từ đó đưa ra giải pháp thích hợp.

Liệu vấn đề có thể nằm ở đây?

Em học sinh đó rất có thể đã mắc chứng khó khăn về đọc. Khi đã bị mắc chứng khó đọc (bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gọi là vụng đọc, khoa học hiện đại hay gọi là mù đọc, chứng đọc khó), học sinh đó khó có khả năng đọc được như bình thường. Nếu không được phát hiện và can thiệp, hỗ trợ sớm, khả năng đọc đó của học sinh rất khó có thể tiến bộ được dù có tiếp tục học lên cao, dù rằng vẫn có năng lực học được các môn học khác.
Nhiều nghiên cứu kĩ lưỡng ở các nước phương Tây đã chỉ ra rằng tỉ lệ học sinh mắc chứng khó khăn về đọc như vậy có thể lên đến vài phần trăm. Bản thân người viết cũng từng có một người bạn gặp chứng khó khăn về đọc (học hết lớp 9 nhưng vẫn không thể đọc được bình thường) và một người học trò dù học đến đại học rồi những vẫn chỉ có khả năng đọc như một học sinh đầu cấp tiểu học. Nghe nói danh họa Picasso cũng là người mắc chứng khó khăn về đọc.

Cần có một sự đầu tư nghiên cứu để có thể miêu tả chi tiết về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đặc biệt là trẻ từ 0 – 6 tuổi, từ 6 – 12 tuổi, để rồi từ đó có thể tiến hành xây dựng các bộ tiêu chuẩn năng lực ngôn ngữ của trẻ và các kĩ năng ngôn ngữ, học tập cốt lõi của trẻ.

Trong giáo dục, người ta thường hay nói tới năm kĩ năng học tập cốt lõi là nghe, nói, đọc, viết và tính toán. Như ở trên, những học sinh có khó khăn về kĩ năng đọc sẽ rất khó có thể nghe hiểu người khác nói như bình thường. Tương tự, những học sinh có khó khăn về nghe, viết, nói, tính toán cũng rất khó có thể viết, nói và tính toán được như bình thường, dù có tiếp tục được học lên cao. Trên thực tế, nếu báo giới và giáo viên tinh ý, có phương pháp đánh giá và tiếp cận đúng, chắc chắn sẽ còn phát hiện ra những hiện thực khách quan khác nữa về tính vấn đề trong các kĩ năng nói, viết, nghe, tính toán, bên cạnh kĩ năng đọc, của học sinh.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến chứng khó đọc cũng như những chứng khó khăn học tập khác. Đó có thể là do những bất thường trong cấu trúc bộ não của học sinh, có thể là do sự khiếm khuyết về khả năng nhìn hay sự hạn chế về tốc độ xử lí thông tin, có thể là do sự khiếm khuyết về nhận thức âm thanh,… Ở đây, do muốn nhấn mạnh đến bản chất “bệnh lí” cố hữu của vấn đề, tính tồn tại khách quan của vấn đề, cho nên tôi không muốn kể thêm các nguyên nhân khác nữa cũng góp làm trầm trọng thêm tình trạng khó đọc ở các em (ví dụ như các em đó là người dân tộc thiểu số, những hạn chế của chữ viết đem lại (thử so sánh tổ quốc – con cuốc, của – quả, lý do – lí do, giạ lúa – giặt gịa), sự phù hợp và bổ trợ cho nhau giữa kênh hình và kênh chữ,…).

Những vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục

Những em có khó khăn về đọc như báo chí đã đưa là những em có nhu cầu giáo dục đặc biệt ở trên một phương diện nào đó, là những em cần có sự giúp đỡ riêng từ phía hệ thống giáo dục mà trực tiếp nhất là các thầy cô đứng lớp. Những em này vốn dĩ đã là những em thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, nhưng nếu không được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp sớm thì các em lại tiếp tục nhận thêm thiệt thòi, khó khăn. Như vậy, để có thể phát hiện sớm để rồi hỗ trợ, can thiệp giúp học sinh cải thiện về những khó khăn như nghe, nói, đọc, viết, tính toán như đã đề cập ở trên, thiết nghĩ, ngành giáo dục cần:

Cần có một sự đầu tư nghiên cứu để có thể miêu tả chi tiết về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ đặc biệt là trẻ từ 0 – 6 tuổi, từ 6 – 12 tuổi, để rồi từ đó có thể tiến hành xây dựng các bộ tiêu chuẩn năng lực ngôn ngữ của trẻ và các kĩ năng ngôn ngữ, học tập cốt lõi của trẻ.
Cần xây dựng các bộ công cụ đánh giá và sàng lọc trẻ theo tuổi, theo lớp học có khó khăn về các kĩ năng ngôn ngữ và kĩ năng học tập cốt lõi.
Trước khi trẻ bước chân vào lớp 1, trẻ cần cần được kiểm tra về năng lực ngôn ngữ nói chung và các kĩ năng ngôn ngữ chuyên biệt nói riêng.
Cần có một sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu toàn diện và đủ dài để có thể nắm vững được thực trạng học sinh có vấn đề về các kĩ năng ngôn ngữ và kĩ năng học.
Cần tuyên truyền, giải thích để mọi người, nhất là đối với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, có thể nhận thức được và đương nhiên ghi nhận hiện tượng trẻ có những khó khăn về ngôn ngữ và học tập như một hiện thực khách quan; tránh tình trạng chỉ trích giáo viên và nhà trường hay bản thân các em hoặc phụ huynh các em một cách vô lí, thiếu hẳn các chứng cớ về giáo dục, về thể chất và tâm lí;
Cần đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia về bệnh học ngôn ngữ, chuyên gia tâm lí học đường,…
Khi công việc giáo dục hoà nhập càng được tiến hành sâu rộng thì các yêu cầu tất yếu, bức thiết tối thiểu trên càng cần phải được đáp ứng càng nhanh càng tốt.

Tác giả Bảo Ngọc

Tạp chí Tia Sáng – Bộ Khoa Học Công Nghệ

 

Trả lời