Mua sắm trực tuyến gắn liền với rủi ro

 

06/12/2016 05:43 GMT+7

TTO – Những sự cố xảy ra trong chuyện nhận hàng và thanh toán đã khiến nhiều người dùng không tin tưởng vào mua sắm online còn doanh nghiệp thì mất uy tín trầm trọng.

 

Ảnh minh họa

 

Chậm giao hàng, hàng giao không đúng như quảng cáo trên mạng, chậm hoặc thậm chí không phản hồi các khiếu nại của khách hàng đang khiến uy tín của nhiều doanh nghiệp bán hàng trực tuyến mất uy tín trầm trọng trong mắt người dùng, cho dù đó là những tên tuổi lớn trên thị trường.

“Mua đầu dê, bán thịt chó”

Tháng 9-2016, anh Minh Định (TP.HCM) cho biết có mua trực tuyến 550.000 đồng thẻ cào bao gồm 300.000 đồng cho MobiFone và 250.000 đồng cho thẻ Viettel trên Lazada.vn. Tuy nhiên, qua tin nhắn, anh chỉ nhận được thẻ của MobiFone mà không nhận được thẻ Viettel.

Qua khiếu nại sau đó, phía Lazada đã có trả lời cho anh Định vào ngày 22-9 với nội dung: “Bên Lazada xin phép hoàn lại phần tiền thanh toán cho các sản phẩm trên vào tài khoản thanh toán”.

“Thế nhưng mãi đến 27-11, Lazada vẫn không có động thái nào cho việc này. Mặc dù vậy, trên đơn hàng, Lazada hiện vẫn để dòng đã chuyển. Tôi thấy cách làm việc của họ thật sự tắc trách và làm mất lòng tin khách hàng”, anh Định bức xúc.

Trong một trường hợp khác, anh Phước Quốc (TP.HCM) cho biết vợ anh có mua 3 bịch tã trẻ em hiệu Huggies với giá 649.000 đồng trên trang mạng Lazada.vn và được khuyến mãi tặng cây đàn organ cho em bé.

“Thế nhưng khi nhận hàng và mở thùng, tôi tá hỏa khi thấy chỉ có 1 bịch Pampers kèm hóa đơn tên người lạ ở tận Đồng Nai, hóa đơn ghi rõ 219.000 đồng. Vợ tôi gọi Lazada thì được trả lời rằng chương trình khuyến mãi vợ tôi đặt hàng hết quà tặng rồi. Nếu có đặt cũng không có quà tặng, trong khi trên mạng họ không hề thông báo gì cả”, anh Quốc kể.

Sự tắc trách của doanh nghiệp trong khâu phục vụ chăm sóc khách hàng không chỉ khiến uy tín của họ suy giảm nghiêm trọng mà còn có thể làm người dùng thêm mất niềm tin vào hoạt động mua sắm trực tuyến nói chung.

Tại hội thảo “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng” được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vào cuối tháng 10-2016, ông Hán Văn Lợi, giám đốc Công ty Boxme cho biết hiện nay, trung bình các đơn hàng chuyển phát đến tay người nhận sau 5 – 7 ngày, thậm chí 10 – 15 ngày.

Hiện chỉ có ít doanh nghiệp thương mại điện tử sử dụng hệ thống quản lý hàng trong kho một cách chuyên nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp có tình trạng hàng mất cũng không biết. Đặc biệt, 48% khách hàng mua sắm trực tuyến từ chối mua hàng của doanh nghiệp đã từng giao hàng chậm cho mình.

Rõ ràng, sự tắc trách của doanh nghiệp trong khâu phục vụ chăm sóc khách hàng không chỉ khiến uy tín của họ suy giảm nghiêm trọng mà còn có thể làm người dùng thêm mất niềm tin vào hoạt động mua sắm trực tuyến nói chung. Điều đó rất không tốt cho xu hướng mua sắm online và thanh toán không tiền mặt đang được nhà nước và xã hội ủng hộ.

Rủi ro bảo mật

Thời gian gần đây, những câu chuyện liên quan đến việc tài khoản ngân hàng của người dân bỗng nhiên bốc hơi đến hàng trăm triệu đồng đang khiến những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và những người ủng hộ xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam thêm rầu rĩ.

 

Ngân hàng di động đang là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. – Ảnh minh họa. (ảnh tuoitre.vn)

 

Bên cạnh đó, xu thế tội phạm mạng hướng đến tấn công tài chính người dùng bằng nhiều phương cách khác nhau cũng là một trong những rào cản lớn ngăn bước chân người dân tham gia thương mại điện tử.

Mới đây, các chuyên gia hãng bảo mật Kaspersky Lab đã phát hiện một biến thể của Trojan ngân hàng di động lẩn trốn trên Google AdSense: Svpeng. Khoảng 318.000 người dùng Android đã bị phát hiện nhiễm Svpeng từ giữa tháng 7-2016 đến nay, tỷ lệ nhiễm cao nhất là 37.000 nạn nhân trong một ngày.

Trước đó, báo cáo về sự phát triển của mối đe dọa công nghệ thông tin vào quý II-2016 của Kaspersky Lab cũng cho thấy tội phạm mạng đang phối hợp các phần mềm tài chính độc hại nhằm gia tăng mức độ cũng như sự nguy hiểm nhắm đến tài khoản ngân hàng của người dùng.

Trong đó, Trojan ngân hàng luôn là mối đe dọa trực tuyến nguy hiểm nhất. Chúng thường xâm nhập thông qua những trang web bị tổn hại, email spam và giả dạng trang ngân hàng trực tuyến chính thức sau khi đã lây nhiễm người dùng, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của họ chẳng hạn như thông tin tài khoản, mật khẩu, hoặc thông tin thẻ thanh toán.

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương, 38% người tham gia khảo sát chưa muốn tham gia mua sắm trực tuyến.

Khi hỏi về nguyên nhân của việc này, kết quả thu được là: 50% cho biết không tin tưởng đơn vị bán hàng, 37% quan niệm mua tại cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn, 26% không có thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán qua mạng, 25% lo sợ lộ thông tin cá nhân.

Rõ ràng với nhiều người dùng, tài khoản ngân hàng mà còn không an toàn thì mua sắm trực tuyến còn biết bao nhiêu rủi ro khác khiến họ phải chùn chân trước mỗi ý định đi chợ trên mạng.

 

ĐỨC THIỆN

Bài và ảnh theo báo Tuoitre.vn

 

Trả lời