Một số công trình ra đời cho thấy nguồn gốc, sự đa dạng, tinh tế của ngôn ngữ. Trong khi đó, các tác phẩm khác thể hiện thăng trầm và sự phát triển của một số ngôn ngữ phổ biến.
Ngôn ngữ là một phần quan trọng trong cuộc sống con người. Theo tiến sĩ Phạm Văn Lam – Viện Ngôn ngữ học – ngôn ngữ là trung tâm, chiếc chìa khóa, bức màn che hay công cụ… trong nhận thức của con người về thế giới. Một số cuốn sách cho thấy sự hình thành, vẻ đẹp, sự đa dạng của ngôn ngữ.
Tóm tắt nội dung
Nguồn gốc của ngôn ngữ
Quan niệm phổ biến nhất trong khoa học là ngôn ngữ loài người được hình thành cách nay khoảng 60.000 năm (thời điểm Homo sapiens bắt đầu di cư khỏi châu Phi) đến 200.000 năm (thời điểm Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi). Tức ngôn ngữ loài người đã tiến hóa khoảng từ 2.000 đến 6.600 thế hệ.
Tuy vậy, trong cuốn Lược sử ngôn ngữ, tác giả Daniel Everett đã lật lại quan điểm đó. Ông cho rằng ngôn ngữ của loài người được hình thành khoảng hai triệu năm trước đây, là sản phẩm sáng tạo của Homo erectus (người đứng thẳng); Homo sapiens (người tinh khôn) hay các loài người hậu duệ khác đều kế thừa ngôn ngữ mà thôi. Điều này có nghĩa ngôn ngữ loài người đã tiến hóa tương đương 60.000 thế hệ.
Nghiên cứu về lịch sử tiến hóa ngôn ngữ, lần theo bước chân hàng chục nghìn thế hệ loài người, tác giả bóc tách những lý thuyết trong sinh học, ngôn ngữ học… để chứng minh ngôn ngữ không phải khả năng bẩm sinh của loài người.
Ông chỉ ra ngôn ngữ không phải do đột biến gen, không do di truyền, cũng không phải món quà của đấng thần thánh siêu nhiên như các tôn giáo tâm niệm, không phải sự bắt chước tiếng kêu của động vật…
Tác giả khẳng định sự đa dạng của ngôn ngữ, trong đó có tương đồng, khác biệt của hàng nghìn ngôn ngữ của loài người hiện nay được phát sinh từ văn hóa, cách xử lý thông tin và nhu cầu giao tiếp trực tiếp của các cộng đồng, chúng liên tục biến đổi, có lịch sử phát triển riêng.
Là người vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy ngôn ngữ, quan tâm đến sự tiến hóa của ngôn ngữ, TS Phạm Văn Lam – Viện Ngôn ngữ học – cho biết khi đọc Lược sử ngôn ngữ, ông cảm thấy hứng thú vì thu lượm được nhiều điều mới mẻ. Mặt khác, vị tiến sĩ ngôn ngữ cũng cảm thấy cần suy nghĩ thêm về những vấn đề mà sách đặt ra, gợi mở.
TS Phạm Văn Lam cho rằng cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến các lĩnh vực như triết học, ngôn ngữ học, tâm lý học, thần kinh học, sinh học, văn hóa học, lịch sử văn minh, khảo cổ học…
“Lược sử ngôn ngữ là một cuốn sách không thể không đọc đối với những ai yêu thích khoa học thường thức, tò mò muốn biết được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, căn bản và lâu đời nhất về con người, tiến hóa và trở thành con người”, TS Lam đánh giá.
Câu chuyện ngôn ngữ
Câu chuyện ngôn ngữ của David Crystal dẫn dắt bạn đọc vào hành trình tìm hiểu sự phức tạp và tinh tế của ngôn ngữ. Nội dung của 40 chương sách nói về từng khía cạnh của ngôn ngữ. Tác giả bàn đến những vấn đề ngôn ngữ từ góc độ cá nhân đến các hiện tượng xã hội, chiều dài lịch sử loài người; từ những tiếng bi bô đầu đời của em bé tới sự phát triển và tác động của ngôn ngữ mạng Internet.
Sách cho thấy ngôn ngữ là một phần đa dạng, phong phú trong đời sống loài người với hàng nghìn ngôn ngữ (khoảng trên 6.000). Trong số đó, nhiều ngôn ngữ đang mất đi. Những ngôn ngữ vẫn được sử dụng thì tiếp tục phát triển, thay đổi mỗi ngày. Thậm chí những người sống cùng một gia đình có thể trò chuyện theo những cách khác nhau.
Tạp chí Publishers Weekly đánh giá về công trình của nhà ngôn ngữ học David Crystal: “Crystal tóm gọn một cách mượt mà lượng kiến thức lớn của ông về những điểm dị biệt trong cách đánh vần, ngữ pháp, chính tả và ảnh hưởng của những phong cách ngôn ngữ mới (ngôn ngữ máy tính, tin nhắn) đối với sự phát triển của ngôn ngữ. Đây là cuốn sách nhập môn hoàn hảo cho bất kỳ ai hứng thú với chủ đề này”.
Tác phẩm cho bạn đọc thấy sự phức tạp, tinh tế của ngôn ngữ bằng lối viết đơn giản, gợi mở. Tác giả David Crystal (sinh năm 1941) là nhà ngôn ngữ học, cây viết, biên tập viên, giảng viên người Anh. Ông là tác giả và đồng tác giả của khoảng một trăm cuốn sách, chủ yếu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, bao gồm một số bộ bách khoa toàn thư.
Tiếng Anh chinh phục thế giới ra sao?
Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến của nhân loại. Cuốn Cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ Anh giúp bạn đọc biết về lịch sử phát triển của ngôn ngữ này, lý giải việc tiếng Anh đã chinh phục thế giới ra sao.
Tác giả Melvyn Bragg đưa bạn đọc vào hành trình ngôn ngữ từ năm 500 đến năm 2.000, đi qua những vùng đất, lục địa, hòn đảo… Bạn đọc cũng trải nghiệm sự thăng trầm của tiếng Anh qua tác động của chiến tranh, những cuộc chinh phạt, biến đổi về chính trị, văn hóa. Tác giả viết về ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ hoàng gia, của văn học, văn hóa, khoa học kỹ thuật…
Qua sách, ta có thể thấy tiếng Anh đang tiếp tục phát triển, lớn mạnh; vẻ đẹp, sức sống của tiếng Anh.
Melvyn Bragg cho biết cuốn sách nhắm tới quảng đại công chúng, không phải là một công trình hàn lâm dành cho những nhà ngôn ngữ học, giảng viên, giáo viên hay người học tiếng Anh. Do vậy, tác giả dùng văn phong dung dị nhằm dễ dàng đưa nội dung tới bạn đọc.
Xem thêm: